(1) Độ tuổi của người lao động
Doanh nghiệp khi tuyển dụng cần lưu ý xem độ tuổi của người lao động đó có đảm bảo theo quy định của pháp luật không, có phù hợp với công việc mà người sử dụng lao động đang tuyển dụng hay không.
– Đối với nhóm người lao động có độ tuổi từ đủ 15 tuổi trở lên đến dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên: Công việc được phép tuyển dụng trong trường hợp này là làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, học nghề và nâng cao trình độ nghề nghiệp và không bị phân biệt đối xử.
– Đối với nhóm người lao động có độ tuổi từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi: Công việc được tuyển dụng là chỉ làm các công việc nhẹ theo Danh mục công việc được sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi làm việc.
– Đối với nhóm người lao động có độ tuổi dưới 13 tuổi: Công việc chỉ được phép tuyển dụng chỉ làm công việc nhẹ theo danh mục công việc được sử dụng người dưới 13 tuổi.
(Theo Điều 143 Bộ luật Lao động 2019).
(2) Không phân biệt giới tính, quê quán
Người lao động có quyền tự do lựa chọn việc làm, làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Cùng với đó, khoản 1 Điều 8 Bộ luật Lao động 2019 cũng nghiêm cấm hành vi phân biệt đối xử trong lao động với những biểu hiện phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên dựa trên chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia hoặc nguồn gốc xã hội, dân tộc, giới tính, độ tuổi, tình trạng thai sản, tình trạng hôn nhân, tôn giáo, tín ngưỡng, chính kiến, khuyết tật, trách nhiệm gia đình hoặc tình trạng HIV….
(Theo Điều 5 Bộ luật Lao động 2019, Điều 10 Bộ luật Lao động 2019)
(3) Một số ngành nghề không được tuyển lao động nữ
Người sử dụng lao động không được tuyển người lao động nữ vào làm các công việc mà pháp luật có quy định không được sử dụng lao động nữ tại Điều 142 Bộ luật Lao động 2019. Đây là những công việc, nghề có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con. Các công việc này được quy định rõ ràng tại Phụ lục được ban hành kèm theo Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH.
(4) Chỉ tuyển lao động nước ngoài cho một số vị trí
Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà thầu trong nước chỉ được tuyển lao động là người nước ngoài vào làm công việc quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật mà lao động Việt Nam chưa đáp ứng được theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
Điều này đồng nghĩa với việc, không phải công việc nào doanh nghiệp cũng có thể tuyển dụng lao động nước ngoài.
Đặc biệt, khi tuyển dụng lao động nước ngoài vào làm việc trên lãnh thổ Việt Nam, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức phải giải trình nhu cầu sử dụng lao động và được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
(Theo Điều 152 Bộ luật Lao động 2019)
(5) Không thu tiền người lao động tham gia ứng tuyển
Theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Bộ luật Lao động 2019, doanh nghiệp không được yêu cầu ứng viên trả phí tuyển dụng.
(6) Cung cấp thông tin
Trong quá trình tuyển dụng, người sử dụng lao động cần nêu các thông tin về: nghề, công việc, trình độ chuyên môn, địa điểm làm việc, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, số lượng lao động cần tuyển, loại hợp đồng lao động dự kiến giao kết với người lao động, mức lương dự kiến, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, các vấn đề về an toàn lao động, vệ sinh lao động, quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh, bị mật công nghệ của người sử dụng lao động và các vấn đề khác có liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người lao động yêu cầu theo quy định của pháp luật lao động.
Ngoài ra người sử dụng lao động cũng cần yêu cầu người lao động cung cấp các thông tin cá nhân chi tiết như: họ tên, tuổi, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, tình trạng sức khỏe và các vấn đề khác có liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động và người sử dụng lao động yêu cầu.
(Theo khoản 1 Điều 16 Bộ luật Lao động 2019).
LIÊN HỆ MIỄN PHÍ NGAY VỚI CHÚNG TÔI:
Hotline/Zalo: 0967 806 870
Email: minalawvn@gmail.com